Doanh nghiệp bé xíu, lại không có tiền, thì khác biệt hóa kiểu gì?

Chia sẻ của bà Đặng Thanh Vân, CEO Thanhs Brand, chuyên gia tư vấn thương hiệu, trong một bài viết được đăng trên group Quản trị và Khởi nghiệp ngày 1/11. Bài viết dành cho các doanh nghiệp nhỏ đang loay hoay tìm sự khác biệt. Chúng tôi xin đăng lại bài viết này.
Khác biệt như thế nào
"Doanh nghiệp bé xíu, lại không có tiền, thì khác biệt hóa kiểu gì?". Điều trăn trở này tôi đã không ít lần nhận được từ học viên, từ ông/bà chủ các doanh nghiệp nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp đều nghĩ rằng, hoặc là phải có nhiều tiền mới có thể làm thương hiệu, hoặc phải tự mình sản xuất ra sản phẩm mới có khả năng tạo nên sự khác biệt.

Cửa hàng tạp hóa VL trên phố Lạc Trung, sinh sau đẻ muộn hơn khá nhiều cửa hàng khác (cùng tuyến phố). Đối diện lại có 2 siêu thị (1 phổ thông và 1 dành riêng cho trẻ em). Mới nhìn qua, tưởng khả năng tồn tại của cửa hàng là 1 cánh cửa hẹp.

Vậy mà cửa hàng này đã phát triển trên 2 năm và ngày càng tăng trưởng. Bí quyết khá đơn giản: Khác biệt.

1. Chọn mặt hàng khác biệt: Trở thành siêu thị mini đầu tiên (tại tuyến phố Lạc Trung) chuyên hàng hóa dành cho trẻ em (baby). Đầu tiên trên thị trường không có nghĩa cứ phải là đầu tiên, mà có thể chỉ cần đầu tiên tại đúng địa điểm bán.

2. Chọn phương thức giao hàng khác biệt: Thực ra thì không khác gì. Chỉ đơn giản là nhận ship hàng (free) cho các mẹ ở xung quanh bán kính 5 km. Tuy nhiên tại tuyến phố này, chẳng có cửa hàng, shop nào chịu ship hàng. Mà đặc biệt hàng dành cho trẻ em thì rất cần được ship, vì bỉm sữa hết là phải có ngay.

3. Khi có một đối thủ đáng gờm (một siêu thị dành cho trẻ em khá nổi tiếng) mở ngay đối diện. Cửa hàng đã chọn một số sản phẩm khác biệt + dịch vụ thân thiện (hàng xách tay) làm lợi thế cạnh tranh.

Đương nhiên, nếu muốn trở nên khác biệt và quyến rũ hơn nữa với khách hàng của mình, siêu thị đồ trẻ em VL vẫn có rất nhiều cách thú vị và dễ dàng khác để triển khai như:

4. Đầu tư vào dịch vụ chăm sóc khách hàng: Chiết khấu hàng bán cho khách quen; gọi tên khách hàng quen khi khách vào mua hàng; gửi quà cho bé hàng tháng/quý; tặng báo, truyện tranh cho bé định kỳ; tặng phiếu mua hàng; tặng voucher kết hợp với các thương hiệu khác; tổ chức sự kiện cho bé (kết hợp bán chéo - cross sales, co-branding với 1 vài trung tâm vui chơi của trẻ hoặc với trường mầm non ngay gần cửa hàng vào ngày nghỉ, ngày lễ)...

5. Gia tăng giá trị cho gói sản phẩm: Thổi bóng bay làm quà tặng cho trẻ (cứ mua hàng được tặng quà); Tặng kèm 1 hộp váng sữa khi mua sữa; Tặng 1 khăn quàng cổ em bé khi mua 2 bịch bỉm; Tặng 1 quả bóng nhựa khi mua đồ chơi trẻ em, tặng đất nặn, giấy tô màu... (Các món quà nhỏ xinh này chỉ có giá từ 500 đồng đến 5.000 đồng, quá rẻ).

6. Lôi kéo sự chú ý, thu hút khách hàng mới: tổ chức sự kiện (vui chơi cho trẻ) tại điểm bán, mời 1 người đóng giả chú hề đứng trước cửa hàng phát bóng bay; Mặc đồ chú hề đi xe máy quanh phố, đứng tại các điểm vui chơi của trẻ phát kẹo, bóng bay có gắn thông điệp của cửa hàng (VD Mua hàng cực vui/ VL - yêu thích của bé/...).

Thực tế thì câu chuyện khác biệt cũng giống như việc bán hàng; nó là hơi thở, là mạch máu của doanh nghiệp. Khi bạn không tạo ra bất kỳ sự đặc biệt nào cho việc bán hàng, sản phẩm, hay thương hiệu của mình, lúc đó bạn đã mất đi cơ hội khiến khách hàng quay trở lại cửa hàng của bạn lần thứ 2.

Đặng Thanh Vân, CEO Thanhs Brand
Theo Trí Thức Trẻ