Sóng lớn đã đến! Tất cả các đại gia đang ồ ạt lao vào "cỗ máy đốt tiền" thương mại điện tử Việt Nam

Dù hàng loạt cái tên đã phải rời bỏ thị trường vì chi phí lớn, cạn vốn, nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường trong năm 2016. Điểm chung của những doanh nghiệp này: Đều là các tập đoàn khổng lồ.
Thương mại điện tử vốn được ví như một cỗ máy đốt tiền, với chi phí hoạt động cực kỳ tốn kém và đã khiến nhiều cái tên phải từ bỏ thị trường, như beyeu, deca, fab, cucre, lingo.

Thế nhưng, thị trường này vẫn đang mở rộng nhanh chóng với sự gia nhập của nhiều cái tên mới, như Alibaba của Trung Quốc, Central Group của Thái Lan và mới nhất là Lotte của Hàn Quốc. Trong khi đó, các ông lớn trong nước cũng rất tích cực tham gia thị trường này. Sau Vingroup là những cái tên đình đám, như Thế Giới Di Động, VNG, Viettel, Vinamilk, FPT...

Lotte - Lotte.vn

Ngày mai, 28/10/2016, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc sẽ chính thức ra mắt website thương mại điện tử cho thị trường bán lẻ Việt Nam tại địa chỉ Lotte.vn. Mục tiêu của Lotte là tận dụng tối đa lợi thế nguồn hàng bán lẻ có sẵn tại các hệ thống siêu thị của mình để đưa lên mạng, trong đó tập trung vào các dòng sản phẩm mũi nhọn là thời trang và mỹ phẩm

Theo đại diện của Lotte, tập đoàn này có tham vọng chiếm 20% thị phần bán lẻ của Việt Nam và đứng trong top đầu của thị trường.

Giải quyết bài toán về thị phần trong thời gian đầu triển khai, Lotte.vn có thể cạnh tranh các đối thủ bằng việc niêm yết giá bán sản phẩm ngang, hoặc thậm chí rẻ hơn giá thị trường, kết hợp các chiến dịch giảm giá, đổi trả trong 14 ngày.

Việc Lotte tham gia vào thị trường thương mại điện tử là không bất ngờ, bởi Lotte đã chuẩn bị xây dựng thương mại điện tử tại Việt Nam từ lâu và hồi tháng 4 vừa qua đã hé lộ những thông tin về trang thương mại điện tử của mình.

Alibaba mua Lazada

Hồi giữa tháng 4/2016, Tập đoàn Alibaba đã tuyên bố hoàn tất thỏa thuận mua lại cổ phần kiểm soát của Lazada – nền tảng thương mại điện tử đang chiếm ưu thế tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thỏa thuận bao gồm khoản đầu tư gần 500 triệu USD để mua lại lượng cổ phiếu mới phát hành của Lazada và việc mua lại cổ phần từ những cổ đông chính hiện tại của Lazada. Tổng giá trị khoản đầu tư ước tính vào khoảng 1 tỉ USD.

Alibaba cho biết, khoản đầu tư vào Lazada sẽ giúp công ty này tiếp cận tới những thị trường người dùng lớn và đang tăng trưởng nhanh tại Đông Nam Á, một trong những thị trường thương mại điện tử đang có bước phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Như vậy, cùng với Lazada toàn cầu, Lazada Việt Nam cũng chính thức trở thành một phần của Alibaba. Đây có thể là một bước ngoặt làm chuyển hướng cuộc chơi Thương mại điện tử Việt Nam, khi Lazada Việt Nam sẽ nhận thêm được tiền cho những khoản đầu tư mới, tiếp tục mở rộng và phát triển.

Central Group mua Zalora Việt Nam

Hồi giữa tháng 5/2016, tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua trực tiếp mua lại Zalora Thái Lan và thông qua công ty Nguyễn Kim mua lại Zalora Việt Nam.

Đáng chú ý, trước khi mua Zalora Việt Nam, Central Group còn mua lại hệ thống siêu thị Big C từ tay tập đoàn Casino của Pháp, với giá trị thương vụ 1,05 tỷ USD. Có cả Nguyễn Kim, Zalora Việt Nam và Big C, Central Group đã liên tiếp đưa ra nhiều quyết định quan trọng, như dừng hợp tác với toàn bộ 22 cửa hàng của Thế Giới Di Động tại hệ thống Big C, và đóng cửa trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.

Việc sở hữu cả Big C, Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi, và một loạt chuỗi thời trang sẽ giúp Central Group có nguồn hàng phong phú phục vụ cho thị trường thương mại điện tử trên trang Zalora. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, các Tập đoàn của Thái Lan trong đó có Central Group đã và đang tận dụng cơ hội để đưa hàng Thái vào Việt Nam.

Thế giới Di động

Không chỉ các tập đoàn lớn nước ngoài đặt chân vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, mà các ông lớn trong nước cũng dồn dập tham gia thị trường.

Adayroi của Vingroup đã chính thức hoạt động từ tháng 8/2015. Và chỉ không đầy 1 năm sau, ông Nguyễn Đức Tài, CEO Thế Giới Di Động tuyên bố cũng đang chuẩn bị cho ra mắt một trang thương mại điện tử hoàn toàn mới, khác biệt hoàn toàn so với 2 chuỗi đang vận hành là thegioididong.com và dienmayxanh.com.

Trang thương mại điện tử mới của ông Tài sẽ hoạt động với mô hình B2C (Business to Customers - bán trực tiếp từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng), chứ không phải mô hình market place (chợ).

Thế giới di động cũng sẽ không hướng đến việc mua khách hàng, mà sẽ xây dựng trang thương mại điện tử nhằm cung cấp cho khách hàng nơi mua bán tiện lợi. Ông Tài ví việc mua sắm trên trang thương mại điện tử này còn tiện hơn cả việc lấy xe máy chạy ra ngoài đường mua đồ.

VNG mua Tiki

Công ty cổ phần VNG đã mua 38% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tiki, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần công ty trong một giao dịch được thực hiện từ tháng 1/2016, nhưng mãi đến giữa tháng 5 mới hé lộ thông tin về thương vụ này.

VNG cho biết, tính đến cuối tháng 3, giá trị khoảng đầu tư vào Tiki là 376,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 100.000 đồng/cổ phần, cao gấp 10 lần so với mệnh giá. Như vậy, với giá trị này, VNG đang định giá Tiki gần 1.000 tỷ đồng.

Tiki là website thương mại điện tử cung cấp các sản phẩm thuộc 10 ngành hàng, bao gồm: Sách, Điện Thoại - Máy Tính Bảng, Thiết Bị Số - Phụ Kiện Số, Điện Gia Dụng, Nhà Cửa Đời Sống, Làm Đẹp - Sức Khỏe, Thiết Bị Văn Phòng Phẩm, Đồ Chơi - Đồ Lưu Niệm, Mẹ & Bé, Thể thao

Bản thân Tiki là một trong số những mô hình thương mại điện tử hiếm hoi thu được những thành công cụ thể. Xuất phát điểm tập trung vào bán sách online, Tiki đã định hình bản thân khá rõ trong tâm trí người tiêu dùng. Việc chọn thị trường hẹp là sách và tập trung vào đối tượng khách hàng chính là nữ đã giúp Tiki gặt hái được nhiều thành công.

Đây là điều mà các trang thương mại điện tử xây dựng tập trung vào đối tượng khách hàng rộng như A đây rồi chưa thể làm được.

Viettel - sandacsan.com.vn

Tập đoàn Viettel hồi đầu năm đã được CEO Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại" để nói tới việc Viettel phải thay đổi để phù hợp với xu thế mới.

Và một trong những thay đổi lớn của Viettel là việc cho ra đời trang thương mại điện tử sandacsan.com.vn hồi đầu tháng 9/2016, bán các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, gạo, gia vị và thủ công mỹ nghệ.

Trang thương mại điện tử này được quản lý bởi Viettel Post, công ty chuyển phát nhanh của Viettel. Đây là công ty có hệ thống đã phủ 100% mạng lưới chuyển phát trên toàn lãnh thổ Việt Nam, kể cả các huyện đảo. Viettel Post hiện đang có thị phần thứ 2 trong ngành chuyển phát tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 40%/năm trong giai đoạn 2011-2015.

Hãng hiện có gần 680 bưu cục, 300 đại lý nhận chuyển phát thư hàng, gần 1.000 phương tiện vận chuyển và 5.000 nhân sự khắp cả nước.

Vinamilk - giacmosuaviet.com.vn

Trong ngành sữa, hiện nay Vinamilk chiếm 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột và với 212.000 điểm bán lẻ, 575 cửa hàng phân phối trực tiếp.
Vinamilk tham dự vào thị trường thương mại điện tử
Xu hướng mua bán online là tất yếu và không cưỡng lại được. Vinamilk dù sở hữu hệ thống bán hàng rất mạnh nhưng từ tháng 10 này đã bắt đầu triển khai trang thương mại điện tử giacmosuaviet.com.vn.

Bước đầu, Vinamilk sẽ phục vụ khách hàng ở tất cả các quận huyện nội thành TP.HCM. Theo chính sách của Vinamilk, các đơn hàng trước 10 giờ sáng sẽ nhận hàng trong ngày, hoặc tuỳ theo thời gian mà khách hàng sẽ nhận sản phẩm trong vòng 24h của ngày hôm sau. Vinamilk sẽ miễn phí giao hàng với hoá đơn từ 300 nghìn trở lên.

Ngoài các doanh nghiệp lớn, thị trường TMĐT cũng chứng kiến sự góp mặt của nhiều đơn vị truyền thông báo chí, như báo điện tử VnExpress bán điện thoại hay Báo Thanh niên đi bán nông sản.

Báo VnExpress - shop.vnexpress.vn

Hồi đầu tháng 7/2016, VnExpress, tờ báo tiếng Việt được đọc nhiều tại Việt Nam, đã mở VnExpress Shop tại địa chỉ shop.vnexpress.net, bán các mặt hàng công nghệ, hầu hết do FPT Trading phân phối.

Đáng chú ý, ngay khi vừa ra mắt, trang web đã được an truyền trên truyền thông với lời quảng cáo “rẻ hơn cả Thế giới di động”.

Là một phần của FPT, không có gì lạ khi mặt hàng đầu tiên được Vnexpress Shop bày bán đó là điện thoại di động. Với hệ thống phân phối điện thoại lớn nhất Việt Nam (FPT Trading) và bán lẻ xếp thứ 2 (FPT Shop), điện thoại di động có thể coi là mặt hàng sở trường của FPT.

Báo Thanh Niên - muahangviet.com.vn

Cũng trong tháng 7/2016, báo Thanh Niên đã giới thiệu bản thử nghiệm trang thương mại điện tử muahangviet.com.vn, bắt đầu bằng việc mở bán các mặt hàng nông sản sạch và an toàn phục vụ người tiêu dùng tại khu vực TP.HCM, sau đó sẽ mở rộng ra toàn quốc.

Trong giai đoạn đầu, muahangviet.com.vn sẽ cung cấp hơn 50 mặt hàng nông sản với 2 phân khúc sản phẩm: hàng an toàn và hàng sản xuất theo chuẩn hữu cơ (organic) có giấy chứng nhận của tổ chức an toàn thực phẩm quốc tế. Hàng nông sản bán tại trang này gồm các loại gạo sạch hữu cơ, các loại rau củ quen thuộc với bữa ăn hàng ngày.

Đại diện công ty cổ phần Báo Thanh Niên cho biết, các mặt hàng thực phẩm sạch được bán trên trang sẽ không lưu kho nên sản phẩm luôn được đảm bảo tươi sạch. Cụ thể người dùng sau khi đặt mua hàng, sản phẩm sẽ được thu hoạch tại nhà vườn ngay sau đó và giao tận tay người tiêu dùng trong vòng 24 tiếng. Mô hình này giúp cắt giảm các khâu trung gian và thời gian trong quá trình phân phối nông sản, giúp giải quyết các vấn đề về chất bảo quản.

Doanh thu từ thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng 37% trong năm 2015 lên mức trên 4 tỉ USD – chiếm gần 3% tổng lượng bán lẻ toàn quốc. Trong vòng 5 năm tới, con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 10 tỷ USD.
Theo báo cáo do Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin Việt Nam VECITA công bố vào tháng 4, có hơn 10.000 nền tảng thương mại điện tử và website bán hàng được đăng ký trong năm 2015, gấp đôi so với năm 2014.

Hà My
Theo Trí Thức Trẻ