Đến Vingroup, Masan còn hứng thú, các startup Việt còn chờ đợi gì nữa.

Những vấn đề thời sự như vệ sinh an toàn thực phẩm hay đối phó với biến đổi khí hậu giờ đây làm dấy lên nhiều bài toán hóc búa cho nông nghiệp Việt Nam.
Hệ quả, lĩnh vực này đang ngày càng nhận được sự chú trọng của chính phủ, các nhà đầu tư và số ít các doanh nghiệp lớn (Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai…), cùng nhau “xắn tay” làm, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp khỏe mạnh.

Đối với startup, nông nghiệp có thể coi là một mảnh đất màu mỡ, chưa được khai phá cho những ý tưởng khởi nghiệp mới. Bài báo dưới đây của tác giả Jason Kassel, đăng tải trên tờ Techinasia, chỉ rõ những lý do để startup Việt nên tham gia làm nông nghiệp ngay lúc này.

Đứng trên vai những người khổng lồ

Làm nông nghiệp giờ đây là xu hướng được nói đến ngày càng nhiều trong giới kinh doanh tại Việt Nam. Ngay cả những tỷ phú hàng đầu trong nước như các ông Đoàn Nguyên Đức, Phạm Nhật Vượng hay Trần Đình Long giờ đây cũng đang đầu tư rất mạnh mẽ vào mảng nông nghiệp.

Như vậy, nếu doanh nghiệp bạn đang quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp thì có lẽ đây là một điểm tựa về niềm tin vững chắc nhất.

“Đứng trên vai những người khổng lồ” chính là điều mà các doanh nghiệp non trẻ có ý định làm nông nghiệp nên tin tưởng vào thời điểm này.

Sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam

Trong thời gian 5 năm trở lại đây, chính phủ Việt Nam đang tăng cường nhiều hơn những hỗ trợ, nhằm thu hút các nhà đầu tư đổ tiền nhiều hơn vào nông nghiệp. Những sự hỗ trợ ấy nằm trong chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bao gồm những sự khích lệ để các nhà đầu tư đổ vốn và các hỗ trợ cho doanh nghiệp về cả mặt chính sách cũng như mặt tài chính.

Gần đây, chính Tân Bộ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ông Nguyễn Xuân Cường cũng đã phát biểu rằng tái thiết nền nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn hiện đại, sẽ là một trong những trọng tâm quan trọng mà Bộ hướng đến.

Đầu tư của Nhật Bản

Nông nghiệp Việt đang cũng đang thu hút được ngày càng nhiều những đồng vốn từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Cụ thể, các doanh nghiệp nông nghiệp Nhật có dự định sẽ đầu tư mạnh vào mảng nông nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.

Không chỉ các doanh nghiệp, nông nghiệp Việt cũng nhận được sự quan tâm từ các tổ chức Nhật Bản. Trong một buổi hội thảo tại thành phố Nagoya vào tháng 4 mang tên “Phát triển nông nghiệp Việt Nam và triển vọng kinh doanh”, hai đơn vị tổ chức là Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhấn mạnh việc sẽ tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị, qua đó xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Cũng gần đây, ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam nói rằng tổ chức này sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng, dưới dạng vốn vay ODA, cho nông nghiệp nước ta

Có thể nói, chưa bao giờ nông nghiệp Việt nhận được sự quan tâm từ nước ngoài, nhất là những đồng vốn của người Nhật như hiện nay.

Sự cạn kiệt dần của dòng Cửu Long

Cả lưu vực sông Mekong đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của con người (Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn). Sự cạn dần của cả dòng Mekong, qua đó tác động đến đồng bằng sông Cửu Long, chính là vấn đề trầm trọng nhất mà nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.

Thật vậy, theo các thống kê, vấn đề khô hạn ở sông Cửu Long sẽ làm nền kinh tế nước ta mất đi tới 215 triệu USD.

Hiện tượng ngập mặn, diễn ra ngày càng trầm trọng vào những mùa khô, cũng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nước ngọt cho 226.000 hộ dân tại các tỉnh ven biển như Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang. Giờ đây, ngày càng có nhiều bài báo nhấn mạnh về “cái giá con người” (human toll) mà nông nghiệp sẽ phải trả, vể việc các nông dân Việt Nam sẽ gặp khó khăn như thế nào trong canh tác, do tác động của hiện tượng này.

Gần đây nhất, một báo cáo về năm 2030 đã dự đoán rằng, vào năm này, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiệt hại gần 4,6 triệu triệu USD từ nông nghiệp, bao gồm cả 232.000 hecta lúa, 6.561 hecta trang trại nông nghiệp và 10.800 hecta hoa quả và cây công nghiệp

Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long chính là “bộ mặt” của nông nghiệp Việt Nam. Nói như vậy để thấy, chưa lúc nào như lúc này, nền nông nghiệp đang cần nhiều những sáng kiến đột phá từ các startup, nhằm giải quyết những vấn đề hệ trọng đang gặp phải,

Kết luận

Gần như là sơ khai với các startup Việt Nam, nền nông nghiệp cũng đang đứng trước một loạt những bài toán hóc búa. Tham gia sớm vào nông nghiệp, các startup sẽ sớm trở thành những người tiên phong, và theo vào đó là những nguồn lợi tài chính dồi dào. Bởi lẽ, trong tương lai, không chỉ chính phủ mà cả các tổ chức quốc tế được hứa hẹn cũng sẽ đổ tiền nhiều hơn vào nông nghiệp tại Việt Nam.

Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ
0 Nhận xét